Wednesday, October 17, 2007
Chien Tranh Chinh Tri QLVNCH
Hoạt Ðộng Chiến Tranh Chính Trị Trong
Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà
(Bản Việt Ngữ bài thuyết trình của Michael Do tại Hội luận về Việt Nam lần thứ 4, Ðại học Texas Tech, Lubbock, tháng 4, 2002, Bản bằng Anh Ngữ xin bấm vào link dưới đây)
http://www.vietnam.ttu.edu/vietnamcenter/events/2002_Symposium/2002Papers_files/do.htm
Hoặc bản tin trên các báo Việt ngữ về Hội Luận, xin bấm vào đây
A.- Dẫn Nhập
Sự ra đời của chủ nghĩa Cộng sản đánh dấu một khúc quanh lớn của lịch sử nhân loại. Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 và theo sau đó, sự thành lập Liên Bang Sô Viết mở ra một “chương buồn thãm và kỳ quái trong lịch sử thế giới,” theo lời của Tổng thống Ronald Reagan.
Nhờ vào sự chiến thắng đối với Ðức Quốc Xã năm 1945 và sự chiếm đóng của quân đội Sô viết trên các nước Ðông Âu, nửa tá quốc gia Cộng Sản mới ra đời đã hình thành một khối liên kết để thách thức nền dân chủ Tây phương mà Hoa Kỳ là quốc gia lãnh đạo. Với những nỗ lực kiên trì nhằm chinh phục thế giới, Liên Sô đã tuôn đổ viện trợ quân sự và kinh tế vào các nước trên năm châu để thúc đẩy cuộc chiến tranh ý thức hệ chống lại thế giới tự do. Năm 1949, Mao Trạch Ðông lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Hoa và Quân Ðội Giải Phóng đánh bại Quốc Dân Ðảng, khai sinh nuớc Cộng Hoà Nhân dân Trung Hoa. Với gần môt tỷ dân số, nước Trung hoa đỏ trở thành một mối đe dọa rõ ràng và nghiêm trọng đối với nền an ninh của các nước Á Châu.
Năm 1923, Hồ Chí Minh, một thanh niên đầy tham vọng, đến Moscow và được chọn vào làm việc tại Văn phòng Viễn Ðông trực thuộc hành dinh của Quốc tế Cộng sản. Ông ta sau này trở thành nhân vật lãnh đạo và thành lập Ðảng Cộng sản Ðông Dương năm 1930. Hậu quả là Hồ và các đồng chí đã phát động những cuộc chiến tranh Ðông Dương đẫm máu trong nhiều thập niên - dưới chiêu bài ái quốc- lật đổ chế độ thực dân Pháp năm 1954 và thôn tính Miền Nam năm 1975; xây dựng một nhà nuớc chuyên chính Cộng sản để hoàn thành sứ mạng bành trướng chủ nghĩa Cộng sản tại Ðông Nam Á.
B.- Chiến Tranh Việt Nam Là Một Cuộc Chiến Tranh Ý Thức Hệ.
B1. Giai đoạn trước năm 1954: Ðất nước đã bị chia đôi như thế nào.
Cuộc chiến tại Việt Nam - bất luận nó được các sử gia và các bên tham chiến gọi tên như thế nào - là một cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa những người Cộng sản miền Bắc Cộng sản và những người Quốc gia miền Nam. Trong suốt giai đoạn chiến đãu chống thực dân, Hồ Chí Minh đã tuyên bố giải tán đảng Cộng sản Ðông Dương vì ông biết rằng các nước đồng minh và nhân dân ta không hề ủng hộ Cộng sản. Sau đó ông cải danh cho nó là Ðảng Lao Ðộng. Hồ cũng thành lập Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh Hội (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) năm 1941, trong đó quy tụ các thành phần quốc gia yêu nước để chiến đấu chống lại nền đô hộ của Pháp. Khi Ðệ Nhị Thế Chiến chấm dứt với sự đầu hàng của Nhật bản vào tháng 9 năm 1945, Hồ chớp lấy cơ hội để tuyên bố độc lập và thiết lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Lập tức ngay sau khi cầm quyền, Hồ cho tiến hành hàng loạt các hoạt dộng khủng bố - không từ thủ đoạn cấu kết với Pháp và Trung Hoa - nhằm tiêu diệt các phần tử Quốc gia trong Mặt trận. Những cuộc ám sát tập thể diễn ra ngay khi Hồ đang thương lượng với Cao ủy Pháp Jean Sainteny tại Paris và Fontainebleau. Cũng trong thời điểmđó, tại miềm Nam có sự hiện hữu của Quốc gia Việt Nam dưới quyền của cựu hoàng Bảo Ðại. Với sự viện trợ quân sự dồi dào của Trung Cộng, Hồ Chí Minh sau cùng đã đánh thắng quân Pháp tại Ðiện Biên Phủ vào tháng 5 năm 1954. hội ệp định Geneve tháng 7, 1954 chia cắt lãnh thổ Việt Nam làm hai quốc gia có hai thể chế đối nghịch. Nó cũng quy định việc rút quân đội Cộng sản về phiá Bắc Vĩ tuyến 17, và quân đội Pháp vào Nam để sau đó Pháp trao quyền lại cho một nước Cộng Hoà Việt Nam tân lập.
B2. Thời kỳ sau 1954: Chiến tranh đã phát khởi từ đâu?
Thay vì rút hết quân ra Bắc, Hồ Chí Minh đã để lại hàng ngàn cán bộ nằm vùng tại các thôn xóm miền Nam. Nhiều người còn thâm nhập vào guồng máy chính quyền và quân sự. Những cán bộ nằm vùng lấy vợ miền Nam để tạo mối quan hệ gia đình và cơ sở chính trị chuẩn bị trước cho các cuộc nổi dậy về sau này. Cuối thập niên 1950, họ lác đác xuất hiện tại các vùng hẻo lánh và khởi động chiến tranh du kích chống lại chính quyền đương kim. Tháng 10 năm 1957, theo lệnh của Hà Nội, họ tổ chức 37 đại đội quân có vũ trang. Vào tháng 12 năm 1960, Ðại hội toàn quốc lần thứ Ba đảng Lao Ðộng họp tại Hà Nội ban hành nghị quyết nhắm vào ba mục tiêu chiến lược: (1) Xây dựng chủ nghĩa xã hội tại miền Bắc, (2) Tiến hành chiến tranh giải phóng miền Nam, và (3) tiến tới thống nhất đất nước. Nghị quyết này đưa đến sự thành lập Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Mặt trận bù nhìn này có ba cơ quan (1) Giải phóng quân miền Nam, (2) Ðảng Nhân dân Cách mạng, và (3) Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam. Những người cầm đầu các tổ chức này được lựa chọn từ các nhân vật bất mãn tại miền Nam để chúng có thể mang một mặt nạ kháng chiến của dân chúng miền Nam nổi lên chống lại chính quyền và xâm lược Mỹ. Trên thực tế, quyền hành tối cao nằm trong tay Trung Ương Cục miền Nam, là một cơ quan lệ thuộc Trung ương đảng Lao động Việt Nam. Nó được lãnh đạo bởi các ủy viên cao cấp trong bộ Chính trị đảng như Lê Duẫn, Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh, vân vân. Các thành viên Trung Ương Cục cũng là các uỷ viên ban Chấp hành Trung Ương đảng. Sau 1960, Hà Nội chuyển quân chính quy vào miền theo đường mòn Hồ Chí Minh với mức độ hàng ngàn quân trong một tháng, cùng với cơ man nào là vũ khí, đạn dược, và các quân dụng khác.
B3. Ai đã đánh cắp Chính nghĩa Dân tộc?
Mặc dù cuộc chiến tranh do những người Cộng sản khởi động để phục vụ cho mục tiêu nhuộm đỏ phần đất Ðông Nam Á Châu, nó đã đươc ngụy trang bằng chiêu bài chiến tranh ái quốc chống lại xâm lăng từ phương Tây. Người dân Việt Nam hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa Cộng sản hoặc Tư bản. Ðối với họ, những người Pháp đã ra đi và những người Mỹ mới đến cũng giống nhau. Mặc dù chính phủ Việt Nam Cộng Hoà đã hết sức cố gắng để xây dựng một nền móng dân chủ; mặc dù hội ến pháp năm 1956 đã dọn con đường đi đến tự do, và tạo mọi cơ hội cho người dân để bắt đầu một cuộc sống mới hạnh phúc và đầy đủ; chính phủ miền Nam vẫn không thể nào làm cho những người du kích hội ểu được bản chất cuộc chiến, và cũng không thuyết phục được người dân quê để họ ngừng yểm trợ cho Việt Cộng. Ngoài ra, một tỷ lệ dân số 80% không theo đạo Thiên chúa không sẵn lòng ủng hộ Tổng thống Diệm vì ông là người theo Thiên chúa giáo. Tám mươi năm triền miên dưới chế độ thực dân Pháp đã đưa đến sự phân hoá trong các tầng lớp dân chúng trên cơ sở tôn giáo, địa phương, chủng tộc, và giai tầng xã hội. Chính vì lý do này, mà Tổng thống Diệm đã từ chối không tiến hành tổng tuyển cử năm 1956 theo quy định của hội ệp dịnh Geneve.
Hình thái Chiến tranh Nhân dân do Mao Trạch Ðông đẻ ra bao gồm cả quân đội, dân binh và toàn thể các tầng lớp dân chúng. Cộng sản huy động tất cả tài nguyên nhân vật lực để phục vụ cho cuộc chiến bao trùm lên mọi lãnh vực của cuộc sống. Trong khi đó, Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, được huấn luyện để chiến đãu trong cuộc chiến tranh quy ước, đã khó tiếp cận được với dân chúng trong vùng địch kiểm soát. Ngay cả dân chúng trong vùng quốc gia cũng thờ ơ với cuộc chiến.
Hồ Chí Minh, trong nhiều bài viết đã khẳng định chiến tranh Việt Nam “là một bộ phận không thể tách rời được của cuộc cách mạng vô sản thế giới.” Thế nhưng Cộng sản luôn luôn chối cãi về sự hiện diện của họ tại miền Nam cho tới sau khi họ đã chiếm được miền Nam năm 1975. Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam chỉ sống thêm được 14 tháng trước khi bị Hà Nội khai tử bằng sự khai sinh nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày 2 tháng 7 năm 1976. Trong Ðại hội toàn quốc lần thứ 4 vào tháng 12 năm 1976, đảng đã lấy lại danh xưng Ðảng Cộng sản Việt Nam và quyết định xây dựng “Chủ nghĩa Xã hội” trên toàn quốc. Thế là một màn đêm ảm đạm vô tận đã trùm lên cuộc sống và tương lai hàng chục triệu dân miền Nam. Ðối với những ai còn hoài nghi về chính nghĩa, thì đã quá muộn màng.
Không lâu sau ngày miền Nam thất thủ, không chỉ quần chúng bình thường, mà ngay cả những người từng ủng hộ Việt Cộng đã bắt đầu nhận thức rằng họ đang mất một điều quý giá nhất trong đời. Ðó là Tự Do. Với hàng trăm ngàn quân chính quy Bắc Việt chiếm đóng trên toàn lãnh thổ miền Nam, Chính phủ Cách mạng Lâm thời đã thấy trước được ngày cuối cùng của họ. Mục tiêu cuối cùng của cuộc chiến kéo dài 21 năm chỉ là để hình thành một nhà nước xã hội chủ nghĩa dưới sự độc tài toàn trị của đảng Cộng sản. Ngoại trừ vài thành viên mặt trận là đảng viên Cộng sản, những người còn lại đã thất vọng thấy mình bị lừa bịp và phản bội.
C.- Hoạt Ðộng Chiến Tranh Chính Trị Trong Chiến Cuộc Việt Nam
Nhận rõ yếu điểm của mình, năm 1965, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà thu nhận khái niệm và cơ cấu Chiến Tranh Chính Trị (CTCT) trong Quân đội Trung Hoa Quốc Gia. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, vì trong công luận của cộng đồng thế giới và ngay cả Hoa Kỳ, đã có sự thông tin bị bóp méo theo thiên kiến về diễn tiến tại Việt Nam. Sự thiếu sót một guồng máy tuyên truyền hữu hiệu và quán triệt là một trong những nguyên nhân chính dẫn dến sự thất bại của Việt Nam Cộng Hoà. Phiá Cộng sản thành công hơn trong việc cướp lấy chính nghĩa nhờ hệ thống hoạt động chính trị đầy kinh nghiệm trong chính phủ và quân đội của họ. Theo lời những nhà lãnh đạo Cộng sản sau chìến thắng 1975: “Chúng tôi không thắng ở chiến trường, mà thắng ngay tại Washington D.C.”
C1. Vai Trò Chính Trị Trong Quân Ðội Cộng Sản.
Từ một nhóm nhỏ nhoi gồm 40 người trong Ðội Tuyên truyền Giải phóng quân thành lập năm 1944, với sự sáp nhập của các đơn vị kháng chiến quốc gia khác trong quá trình chống Pháp, Quân đội Nhân dân Việt Nam (QÐND) đã trở thành một trong những đội quân lớn trên thế giới vào cuối thế kỷ 20. Là một công cụ bạo lực của đảng Cộng sản, nó luôn được củng cố để bảo đảm sự tuyệt đối trung thành đối với đảng. Trước khi khởi sự chiến dịch Ðiện Biên Phủ, và song song với chiến dịch cải cách ruộng đất tại miền quê Bắc Việt, đảng đã phát động chương trình chỉnh huấn để loại bỏ các sĩ quan không thuộc thành phần bần nông vô sản và lao động. Oái oăm thay, hầu hết (nếu không là tất cả) các lãnh tụ trong BộChính trị Cộng sản đều thuộc các giai cấp tư sản và địa chủ!
Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân thường là một trong 5 người cao cấp nhất trong Bộ Chính trị. Bộ Tổng tham mưu QÐND có ba Tổng cục: Tham mưu, Hậu cần, và Chính trị. Bên cạnh bộ Tổng tư lệnh có Ban Bí thư Quân ủy Trung ương là cơ quan đảng. Tổng cục Chính trị chỉ là cơ quan có tính chất hành chánh. Quân ủy Trung ương mới là cơ quan lãnh đạo để bảo đảm quân đội theo đúng chính sách do đảng ban hành. Theo hệ thống hàng dọc, bên dưới là các đảng ủy quân đoàn/ quân khu, sư đoàn, trung đoàn/tỉnh đội, vân vân. Cấp nhỏ nhất là các chi bộ đảng, tổ đảng cấp đại đội/xã đội. Các bí thư chi bộ, đảng bộ thường kiêm luôn sĩ quan chính trị (chính ủy hay chính trị viên) của đơn vị. Họ chịu trách nhiệm về tinh thần binh sĩ trong đơn vị. Các bí thư đảng ủy luôn luôn có quyền hành tuyệt đối, cao hơn các trưởng đơn vị. Họ là những người quyết định công việc của đơn vị. Họ tổ chức các chương trình chính huấn, động viên tinh thần; chủ trì các buổi phê bình và tự phê bình; phát động tuyên truyền nhắm về địch và quần chúng. Các hoạt động quân sự và xã hội tạo thành một mối liên quan chặt chẽ. Trong quân đội Cộng sản, không có sự cách biệt giữa các mục tiêu chính trị và quân sự. Theo Giáo sư Douglas Pike, hầu hết binh sĩ trong quân đội nhân dân miền Bắc và Giải phóng quân miền Nam không phải là Cộng sản. Họ không biết gì về chủ nghĩa Mác Xít. Các chính trị viên dạy họ về lịch sử đãu tranh của dân tộc chống ngoại xâm để khích động tinh thần ái quốc. Cho nên những người lính này tin rằng họ đang chiến đấu cho độc lập của tổ quốc và tự do của người dân. Họ được chuẩn bị rất kỹ càng trước khi tham gia các cuộc tấn công. Họ được khích động bởi chủ nghĩa anh hùng qua các tấm gương của những đồng chí đã chiến đấu dũng cảm dù bị thương tích trầm trọng. Người ta dạy cho họ biết nếu để bị bắt, họ sẽ bị địch tra tấn và giết chết một cách dã man. Họ cũng biết rằng gia đình thân quyến của họ sẽ gặp sự phiền lụy nếu họ đào ngũ hay chạy về với chính phủ miền Nam. Họ chịu đựng những năm dài trốn tránh trong các rừng rậm hay khu sình lầy với mức sống rất sơ khai. Thức ăn chỉ toàn gạo muối, lâu lâu có chút cá khô. Họ đối diện ngày đêm với rắn độc, muỗi mòng, và sự kinh hoàng của bom đạn từ trên trời cao có thể rơi xuống bất cứ lúc nào và gieo sự hủy diệt. Họ chẳng có chút hy vọng nào trở về với những người thân yêu. Ðối với họ, sự thắng trận đem lại tất cả; bằng ngược lại, cái chết chỉ là sự giải thoát khỏi một cuộc sống khốn khổ. Nói cách khác, họ chỉ có một sự lựa chọn độc nhất: Thắng trận hay là chết.
Tổ chức của quân giải phóng miền Nam cũng tương tự như quân đội nhân dân miền Bắc ngoại trừ sự sử dụng các danh xưng, vì các đảng viên Cộng sản dấu nhẹm lai lịch đảng của họ. Những người giải phóng quân này chẳng ưa gì Cộng sản, và họ không hay biết rằng họ đang chiến đấu cho chủ nghĩa Cộng sản. Trong nhiều trường hợp, các lãnh tụ mặt trận Giải phóng lẫn lộn giữa Quốc gia và Cộng sản. Họ mơ ước đến một miền Nam độc lập với một chế độ xã hội tốt đẹp cho đến khi bừng tỉnh sau năm 1975.
C2. Hoạt Ðộng Tâm Lý Chiến Trong Quân Ðội Hoa Kỳ
Vào đầu năm 1956, Hoa Kỳ bắt đầu huấn luyện cho Quân đội Việt Nam Cộng hoà theo khuôn mẫu của họ; mà chủ yếu là chuẩn bị cho đội quân non trẻ này để đương đầu với một cuộc chiến quy ước ở tầm vóc trung bình, thay vì cho cuộc chiến chống nổi loạn mà sau này đã xảy ra. Phái bộ Cố vấn Hoa Kỳ (MAG-V) sau này là Bộ Tư lệnh Viện trợ và Cố vấn (MAAG) là cơ quan độc nhất của quân đội Mỹ hiện diện ở miền Nam trước khi có cuộc đổ quân chiến đấu vào năm 1965. Từ con số vài trăm lúc ban đầu, nhân viên cố vấn Mỹ gia tăng lên 23500 vào cuối năm 1964; và quân chiến đấu gia tăng lên mức cao nhất là 525000 vào cuối năm 1968.
Mặc dù chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến lâu dài nhất và cũng mang lại nhiều tranh luận nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, quân đội Mỹ không có các hoạt động chiến tranh chính trị tác động vào binh sĩ của họ -là những thanh niên đang từ giã cuộc sống tiện nghi để lao vào một chiến trường đẫm máu và phức tạp nhất. Dù họ ý thức được nhiệm vụ mình, nhưng đôi lúc cũng băn khoăn không rõ về chính nghĩa của cuộc chiến. Họ được huấn luyện để đánh trong trận chiến có ranh giới bạn, địch rõ rệt; nay lại phải đương đầu với thứ chiến tranh nhân dân khi mà một người dân bình thường mới vẫy tay chào trước mặt đây, nhưng vừa quay đi đã bắn phát súng vào lưng mình. Kẻ thù của anh có thể là cô gái mới ngủ với anh đêm qua, có thể là em bé mà anh vui vẻ phân phát những viên kẹo. Anh mơ hồ về cuộc chiến tranh lạnh mà anh phải rời xa gia đình êm ấm hàng ngàn dặm để đánh nhau với những người mà anh tưởng là vô hại đối với anh.
Thêm vào đó, các cơ quan truyền thông đại chúng tại Mỹ đã loan những tin tức sai lạc có dụng ý nhằm lôi cuốn thính giả là những ngườì càng lúc càng tỏ ra thiếu kiên nhẫn với cuộc chiến lâu dài, những phong trào phản chiến. Lại thêm tuyên truyền xuyên tạc của phía Cộng sản.
Báo chí Mỹ đã phóng đại những sai sót của quân đội đồng minh trong khi che đậy những tội ác của Cộng sản. Họ sưả đổi kết quả các trận đánh lớn. Chiến thắng rực rỡ của chúng ta trong trận Mậu thân đã bị xuyên tạc thành sự thất bại vì bị xem là không tiên đoán được cuộc tấn công của Cộng quân.
Trở lại Việt Nam, các cấp chỉ huy trong quân đội Mỹ ý thức được vai trò quan trọng cuả tuyên truyền nhằm thu phục nhân tâm. Họ hết lòng ủng hộ các hoạt động chiến tranh tâm lý (PSYOP) mà quân đội phối hợp với sở Thông tin Hoa Kỳ (JUSPAO). Hai mục tiêu chính của Psyop là nhằm giới thiệu các mặt mạnh của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, và chương trình Chiêu hồi nhắm kêu gọi cán binh Cộng sản về với Quốc gia. Psyop, về căn bản, nhắm vào các đối tượng là binh lính Việt Cộng, bộ đội Bắc Việt, và thường dân ở cả hai miền.
Năm 1967, Liên đoàn 4 Tâm lý chiến có 4 tiểu đoàn bắt đầu hoạt động yểm trợ trực tiếp quân đội Hoa Kỳ và Ðồng minh tại 4 vùng chiến thuật. Họ tham gia vào các cuộc hành quân bình định bằng các dịch vụ y tế, phân phát truyền đơn, bích chương, chiếu bóng, tham khảo dư luận, và thu lượm tin tức về vũ khí, nơi cất dấu lương thực, hạ tầng cơ sở cuả địch quân. Các đơn vị Lực lượng Ðặc biệt Mỹ hoạt động tâm lý chiến nhắm vào các người thiểu số cao nguyên Trung phần.
Trong cuốn sách “Cease Resistance: It's Good for You,” Stanley Sandler vạch ra yếu điểm của Tâm lý chiến Hoa Kỳ. Theo ông, chỉ có không đến 40% nhân viên Tâm lý chiến được huấn luyện về nghành của mình; quân nhân Mỹ chỉ phục vụ 1 năm tại Việt Nam, như thế chưa đủ thì giờ cho họ hiểu biết tình hình; các sĩ quan chỉ huy chiến đấu Mỹ không thông hiểu về nhiệm vụ và giá trị của Tâm lý chiến. Ông kết luận: “Hoạt động Tâm lý chiến của quân đội Hoa Kỳ có thể gọi là thành công cục bộ, tạm thời mà thôi.”
C3. Chiến Tranh Chính Trị Trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.
Giai đoạn từ 1949 đến 1955 - Quân đội Quốc gia Việt Nam
Quân đội Quốc gia Việt Nam được thành lập năm 1949 để đánh lại quân Việt Minh do Cộng sản chỉ huy. Sơ khởi có 150000 quân nhân dưới sự chỉ huy của sĩ quan Pháp và trang bị cổ lỗ. Dù Việt Nam có hàng ngàn năm lịch sử chiến đấu với Trung Hoa để sống còn, người ta vẫn coi binh nghiệp là thấp kém nhất trong các giai tầng xã hội (Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh). Những người lính trong quân đội Quốc gia không ưa Pháp, cũng chẳng ưa Quốc trưởng bù nhìn Bảo Ðại. Trong thời này, hoạt động tâm lý chiến độc nhất là “Tác Ðộng Tinh Thần” do phòng 5 đảm trách.
Giai đoạn từ 1955 đến 1965 - Quân Ðội Việt Nam Cộng Hoà.
Năm 1955, ông Ngô Ðình Diệm truất phế Bảo Ðại qua một cuộc trưng cầu dân ý và thiết lập nền Cộng Hoà Việt Nam. Quân đội Quốc gia VN được cải biến và đổi tên là Quân đội Việt Nam Cộng hoà. Khi người Pháp rút đi, đội quân Cộng hoà này chỉ có 4 sư đoàn được huấn luyện không đồng bộ, chỉ huy bởi một nhóm nhỏ gồm sĩ quan và hạ sĩ quan thiếu kinh nghiệm. Người Mỹ đã đảm nhận việc huấn luyện và viện trợ rộng rãi để quân đội VNCH theo khuôn mẫu quân đội Hoa Kỳ.
Khi còn theo khuôn mẫu quân đội Pháp, phòng 5 là cơ quan duy nhất lo về chiến tranh tâm lý. Năm 1954, Trung tá Mỹ Edward Lansdale, người nổi tiếng nhờ những thành công của ông chống lại 'chiến tranh nhân dân' tại Philippines, được Việt Nam Cộng Hoà mời làm cố vấn chính thức. Lansdale định nghĩa dân vận là: “cách hành xử trong tình anh em của những quân nhân trên các mặt trận, mà Mao Trạch Ðông và Võ Nguyên Giáp đã dạy cho binh sĩ của họ.” Ông cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xây dựng một căn bản chính trị làm nền tảng cho các hoạt động khác. Lansdale đề nghị thêm những nỗ lực đặc biệt từ quân đội Mỹ và Việt Nam trong lãnh vực tâm lý chiến ngõ hầu chiến thắng Cộng sản. Sau này ông trở thành cố vấn và là bạn của Tổng thống Diệm. Theo đề nghị của ông, Nha Chiến Tranh Tâm Lý đã được thành lập, trực thuộc Bộ Quốc Phòng.
Bộ Tổng tham mưu là cơ quan chỉ huy cao nhất của quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Tại mỗi cấp của quân đội, từ trên xuống, có phòng 5, ban 5 chuyên lo hoạt động chiến tranh tâm lý. Nhưng các hoạt động này chỉ giới hạn trong việc truyền thanh, ấn loát, chiếu bóng, và trình diễn văn nghệ. Các cán bộ tâm lý chiến thường được chọn từ những sĩ quan bị thất sũng và thiếu năng lực theo cách nhìn của các cấp chỉ huy.
Giai đoạn từ 1965 đến 1975 - Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà
Từ 1965, quân đội được cải tổ lại. Bộ Tổng tham mưu vẫn có 5 cơ quan trực thuộc; mỗi cơ quan đặt dưới quyền của một Tổng tham mưu phó: Hành quân, Nhân viên, Tiếp vận, Huấn luyện, và Chiến tranh Chính trị. Ba cơ quan sau được tổ chức thành 3 tổng cục với các cục trực thuộc (xem sơ đồ)
Dựa trên khái niệm Chiến tranh Chính trị bao gồm 6 hình thái chiến tranh: Tư tưởng chiến, Tổ chức chiến, Tâm lý chiến, Tình báo chiến, Mưu lược chiến và Quần chúng chiến; Tổng cục CTCT được tổ chức thành 5 cục và một trường Ðại học CTCT với chức năng như sau:
1.- Cục Chính huấn để tác động tinh thần và khơi dậy lòng yêu nước của binh sĩ. Cục có một trung tâm huấn luyện cán bộ CTCT và hàng chục toán Công tác Chính huấn giáo dục binh sĩ qua các chương trình sinh hoạt vừa học tập vừa văn nghệ gọn nhẹ.
2.- Cục Tâm lý chiến đảm trách tuyên truyền hướng về địch và công tác dân vận. Ngoài ra còn những công tác bao gồm báo chi, giải trí cho quân nhân. Cục có một Biệt đoàn Văn nghệ Trung ương hùng hậu với hàng trăm nghệ sĩ nổi tiếng đang động viên trong quân ngũ.
3.- Cục Xã hội trách nhiệm săn sóc gia đình binh sĩ qua vấn đề gia cư, trường học, và y tế. Cục có một trường Nữ trợ tá Xã hội đào tạo sĩ quan và hạ sĩ quan. Tại các khu gia binh, các nữ sĩ quan xã hội chăm lo đời sống gia đình binh sĩ. Họ cũng thăm viếng ủy lạo thương bệnh binh tại các quân y viện và chăm lo gia đình tử sĩ. Cục Xã hội quản lý các nha Tuyên úy Công giáo, Phật giáo và Tin lành.
4.- Cục An ninh Quân đội lo phần phản gián và an ninh nội bộ các đơn vị. Dù trực thuộc tổng cục CTCT, cục ANQÐ hoạt động độc lập và là cơ quan có quyền lực nhất trong quân đội. Cục có nhiệm vụ ngăn ngừa sự xâm nhập của địch vào hàng ngũ mình. Tuy nhiên thành quả của cục chỉ đạt được một mức độ hạn chế.
5.- Cục Quân tiếp vụ cung cấp cho quân nhân hàng hoá nhu yếu miễn thuế. Tuỳ theo gia cảnh, mỗi quân nhân hàng tháng mua số lượng thuốc lá, sữa, đường, vật dụng gia đình, vân vân với giá thường chỉ bằng 30 đến 50% giá thị trường.
6.- Trường Ðại học Chiến tranh Chính trị, thành lập năm 1966 khi các cấp lãnh đạo nhận thức sự cấp bách phải đào tạo một lớp sĩ quan trẻ để đảm trách hữu hiệu các hoạt động CTCT tại các đơn vị. Trước đó đã có Trung tâm Huấn luyện Cán bộ CTCT đào tạo cán bộ từ các quân nhân tại ngũ.
Trường ÐH/CTCT tuyển thanh niên có bằng Tú tài qua một kỳ thi tuyển. Những thanh niên này phải qua một chương trình huấn luyện 2 năm để trỏ thành Thiếu úy hiện dịch trong quân lực. Chương trình học nhấn mạnh về khoa học xã hội và chính trị. Sinh viên theo học quân sự hàng năm tại trường Võ bị Quốc gia Việt Nam để có thể trở thành một trung đội trưởng bộ binh và ít nhiều về chiến thuật cấp đại đội. Họ nghiên cứu học thuyết Mác xít, chủ nghĩa Cộng sản, lịch sử chiến tranh cận đại và các kỹ thuật CTCT.
Sau khi tốt nghiệp, các tân sĩ quan được bổ nhiệm làm đại đội phó các đơn vị chiến đãu, hay trưởng ban CTCT tại các chi khu. Khoá đầu tiên tốt nghiệp vào tháng 5 năm 1969, theo sau là 5 khóa nữa cho đến ngày thất thủ năm 1975. Trường đào tạo khoảng 200 sĩ quan mỗi khoá. Ngoài ra trường còn cung cấp các chương trình căn bản, trung cấp, cao cấp cho các sĩ quan đang làm công tác CTCT.
D.- Các Thuận Lợi Và Bất Thuận Lợi
D1.- Thuận Lợi
Ngành CTCT của Quân lực VNCH được tái tổ chức nhờ sự giúp đỡ và cố vấn của Quân đội Trung Hoa Dân quốc. Sau lần thất bại năm 1949, họ đã học bài học cay đắng trong việc đối phó với Cộng sản, và họ rất sốt sắng truyền lại kinh nghiệm cho Việt Nam, một đồng minh thân cận nhất. Cũng nhờ có chương trình Chiêu hồi, quân đội VNCH đã học thêm nhiều từ các hồi chánh viên mà nhiều người từng là cán bộ tình báo và chính trị cao cấp trong quân đội Cộng sản.
Có nhiều thành tựu đáng kể từ khi thành lập Tổng cục CTCT. Các đơn vị Ðịa phương quân và Nghĩa quân trở nên hữu hiệu hơn trong các chiến dịch bình định nhằm quét sạch hạ tầng cơ sở cuả Cộng sản. Trước khi tham dự Hoà đàm Paris năm 1968, các sinh viên sĩ quan khoá 1 được gửi đội hoạt động tại các chi khu để củng cố tinh thần binh sĩ và hậu thuẫn cho lập trường của chính phủ.
Các đơn vị bộ binh, rãnh tay trong công tác lãnh thổ, đã tham dự vaò các chiến dịch tấn công lớn với sự yểm trợ của Không quân Mỹ. Sư đoàn 5 Bộ binh là một thí dụ. Từ một đơn vị yếu kém nhất, sau chiến dịch Chân trời mới khởi sự năm 1968, đã trở thành đơn vị giỏi thứ hai trong mười một sư đoàn. Ðó là nhờ công sức của các sĩ quan chỉ huy và 39 tân sĩ quan khoá 1 CTCT. Các sĩ quan xuất thân từ trường Ðại học CTCT được huấn luyện thuần thục và có tinh thần. Họ có khả năng cả về quân sự lẫn CTCT. Rất nhiều người sau đó đã trở thành những cấp chỉ huy chiến đấu giỏi.
D2.- Bất lợi
Thiếu sự yểm trợ của Hoa Kỳ.
Vì không có cơ quan tương đương trong quân lực Hoa Kỳ, nghành CTCT Việt Nam đã không có đủ tài khoản để điều hành. Tổng cục phải dùng tiền viện trợ dành cho Cục Tâm lý chiến để trang trải hoạt động cho toàn tổng cục. Ðó cũng là lý do giải thích tại sao tổng cục CTCT sáp nhập cục Quân tiếp vụ vào cơ cấu tổ chức của mình: để lấy thêm ngân sách. Sự khác biệt về văn hoá đã làm cho các cố vấn Hoa Kỳ không hiểu rõ thực trạng của cuộc chiến tranh nhân dân do Mao và Giáp đề xướng. Sự thiếu thốn tài chánh và yểm trợ từ phía Hoa Kỳ làm cho nghành CTCT trở nên yếu kém so với các nghành khác, và cản trở họ thực thi những dự án quan trọng.
Trách nhiệm và quyền hạn
Người lính miền Nam Việt Nam, trong gần 50 năm đã chiến đấu liên tục, chống Pháp, chống Nhật, chống Việt Minh, rồi lại chống Việt Cộng và quân Bắc Việt. Dù trên nguyên tắc, họ phải thi hành nghĩa vụ quân dịch trong ba năm, họ đã chiến đấu lâu dài sau khi người bạn đồng minh Hoa Kỳ đã ra về sau một năm phục vụ tại Việt Nam. Trong cuốn The Vietnam Experience, Tim Page đã miêu tả: 'Ðiều kiện sống của họ rất kém. Họ ăn cơm với cá khô và ít canh rau. Ðể vui chơi, họ chỉ có chút rượu đế, đánh bài, và lâu lâu có xi nê.' Người lính lãnh đồng lương nhỏ nhoi để nuôi cả gia đình hoàn toàn lệ thuộc vào họ. Người cán bộ Chiến tranh Chính trị chẳng thể làm gì nhiều để giúp đỡ họ. Chương trình cung cấp nhà ở và học đường chỉ giúp được một tỷ lệ nhỏ các gia đình thiếu thốn.
Người lính được quy định 15 ngày phép hàng năm và phép đặc biệt cho các vấn đề hệ trọng của gia đình. Nhưng trên thực tế, do nhu cầu hành quân và sự ngăn ngừa nạn đào ngũ, việc đi phép bị hạn chế rất nhiều. Quân số một đại đội bộ binh khi cao nhất chỉ khoảng 100 người (160 theo cấp số), trong đó có cả chục người thuộc thành phần bất khiển dụng do bệnh tật hay các vết thương chưa lành hẳn. Tuy nhiên, họ phải thực hiện nhiệm vụ như một đơn vị đầy đủ quân số.
Trong khi các sĩ quan chính trị trong quân đội Bắc Việt là các đảng viên Cộng sản và có quyền vượt hẳn các đơn vị trưởng, sĩ quan CTCT trong quân đội miền Nam không theo một đảng nào. Vì thế họ không có quyền lực. Ở cấp đại đội, họ là người thứ hai trong đơn vị; nhưng càng lên cấp cao hơn, họ là người lép vế nhất trong các sĩ quan tham mưu. Ðại đa số các sĩ quan chỉ huy lại không thấy tầm quan trọng của hoạt động CTCT. Ngoài ra, các sĩ quan CTCT thế hệ cũ lại có ít kiến thức về CTCT và là một trở lực lớn cho những dự án sáng tạo và năng động. Những sĩ quan trẻ trong nghành CTCT thường ưu tư về sự thăng tiến so với các sĩ quan các nghành khác.
Bất ổn chính trị, nạn tham nhũng, và lãnh đạo bất năng.
Dù trong hoàn cảnh chiến tranh và phải đương đầu với kẻ thù nguy hiểm, các nhà lãnh đạo VNCH không có khả năng thiết lập một sự ổn định về chính trị nội bộ. Họ tranh chấp nhau vì quyền lực, bổ nhiệm vào vị trí then chốt những người họ sũng ái thay vì những người tài ba. Sau chiến thắng của quân lực VNCH muà hè năm 1972, Tổng thống Thiệu đã quay mũi dùi hướng về các thành phần đối lập. Ông thành lập đảng Dân chủ như một đảng cầm quyền dù rằng nó thiếu nền móng và không được ai ủng hộ. Nạn tham nhũng trở nên nghiêm trọng trong mọi cấp. Các chức vụ ngon lành phải mua bằng tiền. Hậu quả là những người này lạm dụng quyền hạn để lấy lại sở hụi, hay tệ hơn, làm giàu cho chính mình. hiện tượng lính ma là phổ biến trong các đơn vị bộ binh và địa phương quân. Các sinh viên khoá 4 CTCT khi về hoạt động tại quân khu 4 đã phanh phui nạn tham nhũng, đưa đến sự cách chức vị tư lệnh quân khu và càc đồng loã của ông. Trong hoàn cảnh tham nhũng và tranh chấp quyền lực như thế, khó lòng mà thuyết phục quân lính rằng họ đang chiến đãu cho quê hương và dân tộc.
E.- Kết Luận
Nếu so với hệ thống chính trị đầy kinh nghiệm của quân đội Bắc Việt, nghành CTCT trong Quân lực VNCH là một tổ chức lỏng lẻo và ít hiệu năng. Các cán bộ CTCT không có quyền hành và không được sự hỗ trợ của chỉ huy. Cho dù với uy thế quân sự và hoạt động CTCT hữu hiệu, chúng ta cũng khó thắng cuộc chiến nếu những kẻ thù bên trong phát triển từ những sai lầm của chúng ta. Chiến tranh chính trị phải đi đôi với một hệ thống chính trị mạnh và ổn định.
Ðối vớì Hoa Kỳ và Việt Nam, thông tin sai lạc là một vấn đề nghiêm trọng làm cho hai chính phủ mất sự hậu thuẫn của dân chúng. Cộng sản đã lợi dụng tự do ngôn luận của chúng ta để phát động chiến tranh tâm lý ngay trên đất chúng ta, trong lúc tâm lý chiến của chúng ta không thể xâm nhập được vào xã hội của họ.
Hệ thống thông tin của chính phủ và quân lực Việt Nam Cộng Hoà đã không gở được mặt nạ Hồ Chí Minh và đồng bọn. Nghiêm trọng hơn, chúng ta đã có nhiều sai lầm làm thay đổi tình thế. Sau trận Tết Mậu Thân, đặc biệt là những năm đầu thập niên 1970, quân lực VNCH đã trưởng thành. Từ 80 đến 90% cơ sở hạ tầng của Việt Cộng bị lộ diện và tiêu diệt. Hàng chục ngàn cán binh Việt cộng bị giết trong các trận đánh đẫm máu trên khắp lãnh thổ. Những người may mắn sống sót phải chạy trốn vào những mật khu bên kia biên giới Việt-Kampuchea. Nếu chính phủ VNCH biết lợi dụng những chiến thắng đó để củng cố, nâng cao an sinh xã hội để phục vụ người dân tốt hơn, nâng cao đời sống binh sĩ và gia đình, đối xử tử tế với các Hồi chánh viên; chắc chắn Cộng sản không có cơ hội đặt chân trở lại miền Nam nữa.
Giáo sư Nguyễn Văn Canh, một nhân vật lãnh đạo đảng Ðại Việt, trong bản báo cáo năm 1973, đã báo động với chính quyền về việc Việt Cộng tại vùng 4 đang tái tổ chức và trang bị. Các đơn vì nay, từ năm 1968, đã không còn ai nghe đến, nay đang được tăng cường bởi hàng trăm hồi chánh viên và các cán bộ VNCH cấp xã ấp là những nạn nhân của sự ngược đãi bất công. Lời cảnh cáo của giáo sư Canh bị Nguyễn Văn Thiệu che tai vì ông ta lưu tâm đến các quyền lợi riêng hơn là quyền lợi của tổ quốc đang lâm nguy. Ông ta đang phải đối phó với phong trào chống tham nhũng do báo giới và các dân biểu, nghị sĩ đối lập chủ xướng.
Nạn tham nhũng cũng là một nguyên nhân làm suy yếu quân đội. Quân Cộng sản hẳn cũng có những vấn đề tương tự của họ, nhưng họ che đậy được nhờ hệ thống truyền thông nhà nước một chiều.
Vào cuối năm 1972, khi Hà Nội gần như suy sụp sau các trận bom tơi bời, Tổng thống Nixon lại ra lệnh ngưng ném bom và tái tục hoà đàm Paris. Việc này giúp cho cộng sản cơ hội ngàn vàng để tái lập lực lượng và làm thay đổi tình thế. Thẳng thắn mà nói, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hoà đã không biết rõ về địch để có thể có những hành động dứt điểm và hợp lúc để chiến thắng.
Tuy nhiên, công tác Chiến tranh Chính trị vẫn luôn là một yếu tố cần thiết trong bất cứ chiến tranh nào mang màu sắc ý thức hệ. Ðó là một trọng đề mà các cấp lãnh đạo phải quan tâm và hỗ trợ.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment